Các quốc gia kế tục Người Hung

Nhiều dân tộc đã cố gắng khẳng định mình như là người kế tục các truyền thống văn hóa và dân tộc của người Hung. Ví dụ, Tên gọi của các hãn Bulgar (Именник болгарских ханов) có thể chỉ ra rằng những người này tin tưởng rằng họ chính là hậu duệ của Attila. Người Bulgar có lẽ đã là một phần của liên minh bộ lạc người Hung trong một thời gian nào đó, và một số học giả trong quá khứ đã đặt giả thuyết rằng tiếng Chuvash (được coi là xuất phát từ tiếng Bulgar) là họ hàng còn sót lại gần gũi nhất với tiếng Hung.[21]

Người Magyar (người Hungary) cũng tuyên bố mình là người thừa kế các di sản của người Hung. Do những người Hung đã xâm chiếm châu Âu có lẽ là một liên minh lỏng lẻo của các tộc người khác nhau nên hoàn toàn có thể cho rằng người Magyar là một phần của người Hung. Cho tới đầu thế kỷ 20, nhiều nhà sử học Hungary tin tưởng rằng người Székely (tiếng Hungary "dân tộc anh em") – những người sống tại khu vực Transilvania – là các hậu duệ của người Hung.

Các tên gọi "người Hung" và "người Hungary" nghe rất tương tự, nhưng khác nhau về từ nguyên học. Tên gọi "người Hungary" có nguồn gốc từ cụm từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ "onogur" với nghĩa là "mười bộ lạc", và có thể là chỉ tới giao kèo bộ lạc giữa các bộ lạc Hungary khác nhau đã di chuyển tới khu vực ngày nay là Hungary vào cuối thế kỷ 9.

Năm 2005, một nhóm khoảng 2.500 người Hungary đã kiến nghị chính quyền công nhận địa vị của những người thiểu số như là các hậu duệ trực tiếp của Attila. Nỗ lực này đã thất bại, nhưng đã thu được một số quảng cáo cho nhóm, được hình thành đầu thập niên 1990 và dường như là đại diện cho nhánh theo thuyết thần bí tại Hungary. Những người Hung tự nhận này không có gì đặc điểm gì khác biệt về văn hóa hay ngôn ngữ, ngoài những gì có thể là có sẵn từ các nguồn lịch sử và thần bí-hiện đại tại Hungary.[22]

Trong khi một điều rõ ràng là người Hung để lại hậu duệ trên toàn khu vực Đông Âu thì sự tan rã của đế quốc Hung nghĩa là họ không bao giờ có lại được danh tiếng đã mất. Một trong số các lý do là người Hung chưa bao giờ có cơ chế được thiết lập hoàn chỉnh như một chính thể nhà nước, chẳng hạn như hệ thống quan lại và thuế, không giống như của người Magyar hay của Kim Trướng Hãn quốc sau này. Một khi đã là vô tổ chức thì người Hung rất dễ dàng bị các chính thể có tổ chức tốt hơn lôi cuốn và làm cho tổ chức của người Hung tan rã.